Hướng dẫn cách lấy hơi và đẩy hơi khi hát

Một trong những bí quyết giúp bạn hát hay hơn đó là lấy hơi – đẩy hơi đúng cách để có làn hơi đầy đặn, không hụt hơi.Cùng đọc bài viết sau để cải thiện làn hơi của chúng mình nhé

Thông thường, các bộ phận nội tạng trong cơ thể hoạt động tự động như tim tự đập, dạ dày tự co bóp… riêng bộ máy hô hấp ngoài tự động làm việc còn có thể hoạt động theo ý muốn của mỗi người. Cũng đồng nghĩa chúng ta có thể tập kỹ thuật thở, lấy hơi theo ý mình. Việc hít vào – thở ra cạn hay sâu, nhanh hay chậm, khả năng chủ động hô hấp đã trở thành một trong những phương pháp luyện khí công, rất có ích trong tăng cường sức khỏe để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh, cũng rất được chú trọng trong luyện tập thanh nhạc giúp bạn có giọng hát khỏe, đầy đặn hơn, đỡ bị hụt hơi khi hát. 

Có 3 cách lấy hơi thường thấy ở con người:

► Lấy hơi bằng ngực: khi lấy hơi theo cách này lồng ngực nâng lên, cơ hoành sẽ chuyển động một chút về phía dưới tạo lực hút không khí vào trong, các cơ ở xương sườn và khung xương sẽ giãn ra, bạn sẽ cảm thấy phần ngực, vai của mình căng phồng lên chủ yếu theo chiều ngang, bạn sẽ cảm thấy hơi “tức” khi bạn lấy hơi quá đầy. Nguyên nhân do khu vực này là phần phổi và tim của bạn, khi lấy hơi quá đầy là lúc phổi căng phồng lên, cơ và xương sườn nở rộng ra, tuy nhiên khả năng nở rộng của xương sườn không đủ đáp ứng khả năng căng phồng của phổi nên phổi sẽ bị ép lại gây cảm giác đau nhẹ. Nằm giữa phổi là tim, bộ phận này cũng sẽ bị ép lại gây cảm giác đau khi phổi căng phồng trong quá trình lấy hơi ở ngực. Đây là cách lấy hơi thường thấy khi chúng ta cần thở vội, ví dụ những lúc tập những môn thể dục tốc độ như đá banh, cầu lông, tennis…

► Lấy hơi ở phần giữa ngực và bụng. Khi lấy hơi theo cách này, cơ thể bạn thường ở trạng thái lưng chừng, cả phần bụng và ngực phồng nhẹ lên một chút, bạn sẽ cảm thấy thoải mái bởi đây là cách lấy hơi trong phần lớn thời gian hoạt động của chúng ta. Với cách lấy hơi này, cơ thể sẽ bớt căng hơn, do phần cơ và xương sườn không còn chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi sự phồng lên của phổi nữa mà gánh nặng này đã được “chia sẻ” một phần đến bụng.
 
► Lấy hơi ở phần bụng: đây là cách thở chủ động theo ý mình, chúng ta chủ động hít vào và phình bụng ra, lúc này lồng ngực vẫn được nâng lên nhưng phổi của bạn sẽ chủ yếu phồng lên theo chiều dọc thay vì chiều ngang. Nguyên nhân là do bạn sử dụng lực phần lớn từ cơ hoành, phần cơ hoành này hạ sâu xuống để tạo lực hút mạnh hơn trong quá trình lấy hơi giúp lượng hơi lấy vào sẽ nhiều hơn, mạnh hơn và nhanh hơn. 
 

Trong ca hát, phải tập để hít hơi vào (còn gọi là lấy hơi) làm sao cho đủ lượng hơi cần thiết cho từng câu hát dài ngắn, mạnh nhẹ, cao thấp khác nhau. Đồng thời cũng phải tập thở ra (còn gọi là đẩy hơi) sao cho làn hơi được phù hợp với mọi tình huống của câu hát. Nói cách khác là tập điều chế hơi thở cho tốt, tuỳ theo sắc thái cường độ, cao độ, trường độ của âm thanh. Và thường người ta sử dụng cách thở bụng để có được hơi thở sâu và lợi dụng lực đẩy của cơ hoành trong quá trình đẩy hơi ra khi hát giúp hơi thở ổn định chắc chắn. Nếu dành thời gian tập luyện tốt, cách lấy hơi này sẽ giúp một lần lấy hơi sâu của bạn có thể chứa đầy dung tích phổi, điều này không chỉ tốt cho giọng hát mà còn tốt cho cả sức khỏe của bạn.

Cách tập lấy hơi và đẩy hơi khi hát

Lấy hơi (hít hơi) :

– Nén hơi vài giây trước khi hát và cố gắng giữ lồng ngực căng trong suốt câu hát. Cần phải nhẹ nhàng và hít vào mau lẹ bằng mũi và bằng miệng (như vậy làn hơi mới vào sâu trong phổi được).

Đẩy hơi (điều chế làn hơi) :

– Đưa hơi ra đều đặn, không đứt quãng, không quá căng. Khi phải hát những bước nhảy (từ quãng 4 trở lên), nên có tác động ép bụng cách mềm mại để âm thanh phát ra đúng cao độ và âm vang đầy đặn. Tạo cảm giác như điểm tựa của làn hơi ở vùng xương chậu : làn hơi như được đẩy lên nhờ tựa vào vùng xương chậu. Các cơ bụng dưới hơi căng, tạo thành chỗ dựa vững chắc cho làn hơi phóng lên.Đưa hơi thở ra chính xác cùng lúc với hoạt động của thanh đới, không sớm, không muộn. Nếu sớm quá (sur la glotte) âm thanh nghe cứng cỏi vì thanh đới căng ra trước khi làn hơi tới. Nếu muộn quá (sur le souffle), âm thanh nghe không rõ, mà lại tốn hơi, vì làn hơi ra trước khi thanh đới rung.

Một số điểm cần tránh khi lấy hơi cũng như khi đẩy hơi 

Khi lấy hơi :

– Không nên lấy hơi hoàn toàn qua miệng, trừ những trường hợp cao trào, phải cướp hơi, hoặc những trường hợp hát khi các vần mở mà phải hát nhanh, nhịp nhàng.

– Không nên hít hơi quá nhiều, làm căng thẳng các cơ bụng, sườn, ngực … tác hại đến việc phát thanh. Cần tập lấy hơi theo mức dài ngắn, mạnh nhẹ của câu nhạc.

– Không nên để hết hơi hoàn toàn mới lấy hơi khác, như vậy âm thanh cuối câu dễ bị đuối đi, có thể làm đỏ mặt, đỏ cổ …

– Không nên nhô vai lên khi hít hơi vì sẽ ảnh hưởng đến các cơ hô hấp, lấy hơi không sâu được.

– Không nên phình bụng ra trước khi lấy hơi : Chính không khí đi vào sâu trong phổi đồng thời với việc hạ hoành cách mô làm phình bụng ra. Nếu phình bụng trước sẽ làm cho cơ thể bị căng cứng, ảnh hưởng xấu đến việc phát âm.

Khi đẩy hơi :

Không nên đẩy hơi quá mạnh khi hát các dấu cao, đành rằng có tốn nhiều hơi hơn hát dấu trầm (vì thanh đới không khép kín hoàn toàn khi hát dấu cao), nhưng nếu quá mạnh, sẽ làm thanh đới quá căng, ảnh hưởng tới âm sắc.Không nên phí phạm hơi thở, phải biết điều chế hơi thở sao cho phù hợp với tính cách của từng câu, để âm thanh vẫn âm vang đầy đặn từ đầu đến cuối câu. Điều chế hơi thở nhờ hoành cách mô nâng lên dần dần và mềm mại với sự hỗ trợ của các cơ bụng, còn lồng ngực vẫn căng tạo thành một cột hơi phía trên luôn luôn liên tục, đầy đặn.

Luyện tập hơi thở :

Việc luyện tập hơi thở thường phải đi đôi với việc luyện thanh, nghĩa là tập hơi thở với âm thanh, có như vậy ta mới dễ kiểm tra được hoạt động của hơi thở qua chất lượng của âm thanh phát ra. “Hơi thở đúng, âm thanh đẹp”, đó là câu châm ngôn của người ca hát. Hơi thở đúng sẽ giúp đặt vị trí âm thanh đúng, làm cho tiếng vang đẹp. Ngược lại vị trí âm thanh đúng giúp cho việc đẩy hơi được dễ dàng, tiết kiệm được hơi thở. Vị trí âm thanh và hơi thở là hai yếu tố hỗ trợ nhau để phát ra âm thanh có chất lượng, nên không thể tách rời từng hoạt động riêng rẽ. Tuy nhiên trong bước đầu, chúng ta có thể tập hơi thở riêng để làm quen với kiểu thở tích cực trong thanh nhạc, hoặc để tăng cường lực hít hơi và đẩy hơi của chúng ta.

Đây là bài viết được Phú Quý Audio tổng hợp từ các diễn đàn dạy thanh nhạc, rất hữu ích cho các bạn đam mê ca hát muốn thay đổi chất lượng giọng hát của mình được tốt hơn, các bạn hãy tập luyện hơi thở thật chăm chỉ. Và bạn nhớ sử dụng kỹ thuật thở bụng không chỉ khi hát mà trong cuộc sống hàng ngày để sống thọ, sống khỏe hơn nhé.
Ngoài ra bạn có thể mua và tập hát thường xuyên trên dàn hát karaoke của Phú Quý Audio, dàn hát chuyên nghiệp – chất lượng sẽ giúp bạn hát không bị mất quá nhiều sức mà lời ca tiếng nhạc được các thiết bị trợ giúp sẽ mượt mà hơn, đỡ chênh phô hơn. Liên hệ hotline:  097.299.1236 . Cảm ơn quý khách luôn ủng hộ Phú Quý Audio.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Q/K cần hỗ trợ ?